top of page

NHÀ DỰNG MẪU HERMÈS NGÔ KIM KHÔI: "NIỀM KIÊU HÃNH NẰM TRONG HẬU TRƯỜNG" - ĐẠI HỌC VĂN LANG

Ngày 19/09/2022, Khoa Mỹ thuật & Thiết kế Trường Đại học Văn Lang tổ chức Talkshow 8:30 AM chủ đề "Dựng mẫu thời trang - Khởi đầu hành trình trở thành nhà thiết kế" với sự tham dự của nhà dựng mẫu, nhà nghiên cứu nghệ thuật Đông Dương Ngô Kim Khôi.


Nhà dựng mẫu, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi là cháu ngoại của cố họa sĩ Nam Sơn - đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Chính xuất phát điểm này đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và cảm quan thẩm mỹ của ông ngay từ thuở bé. Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh trên kinh đô ánh sáng, trải qua nhiều thăng trầm, nhà dựng mẫu Ngô Kim Khôi giờ đây đã trở thành một cái tên quen thuộc, được nhiều thương hiệu thời trang cao cấp (Hermès, Christian Dior, Jean Louis, Chlóe,...) và siêu sao toàn cầu (Nicole Kidman, Madonna, Charlotte Gainsbourg,...) tin tưởng hợp tác.


Trao đổi cùng cộng đồng sinh viên Mỹ thuật Trường Đại học Văn Lang, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đã chỉ ra những điểm khác biệt trong vai trò của nhà thiết kế (Stylist) và nhà dựng mẫu (Modelist). "Để góp phần tạo nên một sản phẩm hoàn thiện, từ góc nhìn của một modelist, ta phải thấy được những điều người khác không nhìn thấy. Định nghĩa về thành công đối với người dựng mẫu, tôi cho rằng đó là sự hài lòng của khách hàng, sự trầm trồ, ngưỡng mộ của những người thưởng thức sản phẩm. Không có ánh hào quang rực rỡ trên sàn diễn nhưng chúng tôi cũng sở hữu niềm kiêu hãnh phía hậu trường cho riêng mình. Chúng tôi làm việc vì đam mê.”


Đến với buổi talkshow, nhà dựng mẫu, nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cũng mang đến bộ sưu tập kỷ niệm của riêng ông gồm 35 chiếc áo gile cùng 03 chiếc chăn bằng vải lụa được ông sưu tầm và thực hiện trong quá trình làm việc tại Hermès.

Theo ông Ngô Kim Khôi, công việc của một nhà dựng mẫu là bằng mọi cách, phải hiện thực hóa được ý tưởng của nhà thiết kế đã vẽ ra. Muốn được vậy, giữa hai bên phải có sự thấu cảm. Bên cạnh đó, ông cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật về việc bồi đắp khả năng thẩm định nghệ thuật, kiến thức mỹ thuật cho bản thân. Ngoài kỹ thuật chuyên môn, kiến thức và sự thấu cảm vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp cuộc sống sẽ mang đến cho người nghệ sĩ nhiều sáng tạo bất ngờ.

Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, nhà dựng mẫu, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cùng các giảng viên, sinh viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế đã trao đổi về việc lồng ghép bản sắc dân tộc vào thiết kế trong thời đại công nghệ hóa, quốc tế hóa. Ông Ngô Kim Khôi khẳng định, dù công nghệ kỹ thuật đang ngày càng phát triển, xong cái hồn gửi gắm vào mỗi tác phẩm nghệ thuật làm nên chính là điều khiến vị trí của con người không thể thay thế.

The audience asked questions and discussed with speaker Ngo Kim Khoi about the role of a designer and modelist in today's era.
Khán giả đặt câu hỏi, trao đổi cùng diễn giả Ngô Kim Khôi về vai trò của một nhà thiết kế, nhà dựng mẫu trong thời đại hôm nay.

Theo ThS. Nguyễn Vũ Cẩm Ly - giảng viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang, định nghĩa Việt Nam không nằm ở riêng một cá thể hay một vật thể nào; mỗi sinh viên Thiết kế Thời trang Văn Lang đều có thể là một đại sứ văn hóa và thế hệ nhà thiết kế trẻ hôm nay chính là định nghĩa cho thời trang Việt. Chính những điều chúng ta thể hiện trước bạn bè quốc tế sẽ góp phần tạo nên Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu.


Là cái nôi của nhiều tên tuổi thiết kế thời trang nổi tiếng, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang luôn tạo cơ hội để sinh viên được học hỏi, cập nhật kiến thức mới, không chỉ sáng tạo về ý tưởng mà còn được rèn luyện kỹ thuật ổn định thông qua các tiết học thực hành, các giờ workshop và môn học về kỹ thuật cắt may, tạo mẫu. Việc xây dựng một hệ thống đào tạo cân bằng giữa tư duy sáng tạo và tay nghề kỹ thuật góp phần tạo nên lợi thế cho người học trong quá trình lựa chọn định hướng và phát triển công việc tương lai.


Nguồn: https://www.vanlanguni.edu.vn/tin-tuc-size-bar/3544-nha-dung-mau-hermes-ngo-kim-khoi-den-van-lang-niem-kieu-hanh-nam-trong-hau-truong?fbclid=IwAR1I-QUQsdM_azsnmXkTP320mkWtD8JosDllQxzxFcJ8HLbafa3_yP-yz0M

Comments


bottom of page