top of page

cuộc thi thiết kế logo &

slogan du lịch cho Côn đảo

Giới thiệu Côn đảo

Tóm lược lịch sử hành chính

 

Theo kết quả khảo cổ học, các nhà nghiên cứu cho rằng Côn Đảo đã có sự hiện diện của con người từ thời tiền sử qua các di vật công cụ tạo tác, được xác định ở vào khoảng giữa sơ kỳ thời đại Kim khí và có quan hệ mật thiết với di vật gốm thời tiền Sa Huỳnh sớm ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

​Trước thời Pháp thuộc, Côn Đảo thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản lý.

Ngày 16 tháng 5 năm 1882, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ. Ngày 15 tháng 01 năm 1977, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VI, ban hành Nghị quyết đổi tên Côn Đảo thành huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. ​

Ngày 30 tháng 5 năm 1979, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 5 ban hành Nghị quyết thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Côn Đảo trở thành quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 ban hành Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo trở thành huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến nay. Huyện Côn Đảo là chính quyền một cấp, không có cấp xã, phường, thị trấn. Dân số hiện nay gần 12.000 người.

​Di tích lịch sử Côn Đảo

Khu di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo, thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (với quần thể 20 di tích). Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó, Côn Đảo trở thành “Địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm (1862 – 1975).

Trong lịch sử, thực dân Pháp và đến quốc Mỹ đã cho xây 08 trại giam lớn và 02 khu biệt lập (Biệt lập Chuồng cọp Pháp và biệt lập Chuồng Bò), gồm 117 phòng giam lớn nhỏ, 44 xà lim, 504 phòng giam “biệt lập chuồng cọp” và 18 sở tù.

Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đặc cách công nhận là Khu di tích đặc biệt quan trong của Quốc gia, với 17 di tích thành phần.

Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích nhà tù Côn Đào là Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm 20 điểm di tích.

Định hướng phát triển

Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo Quyết định 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ:

Côn Đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở trên cả hai phương diện kinh tế và địa chính trị với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, con người. Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có diện tích cấp quốc gia đặc biệt của cả nước, đã và đang tạo tiền đề vững chắc để phát huy thế mạnh tranh thủ các nguồn lực xây dựng và phát triển. Cùng với đó, Vườn quốc gia Côn Đảo được tổ chức UNESCO công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi là khu Ramsar) vào năm 2014.

Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Nơi đây được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển). Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Côn Đảo sở hữu những cánh rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học chặt chẽ. Côn Đảo không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để du khách đến du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên với các chương trình du lịch sinh thái biển, đảo hấp dẫn như bơi lặn xem san hô, sinh vật biển, quan sát rùa biển lên bãi đẻ trứng vào ban đêm, thả rùa con về đại dương, các tour leo núi khám phá rừng mưa nhiệt đới hải đảo….

Tháng 5 năm 2011, tạp chí Travel Leisure gọi Côn Đảo - nơi có "những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt" - là một trong những đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới. Tương tự, Lonely Planet cũng xếp Côn Đảo vào danh sách những đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới, đồng thời ca ngợi Côn Đảo là "thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục"…

Ngày 25/11/2005 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo đến năm 2020, theo đó, “xây dựng Côn Đảo thành Khu kinh tế - Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo”.

Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030. Trên cơ sở Quyết định số 870/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập Khu du lịch quốc gia Côn Đảo trên cơ sở Ban Quản lý các khu du lịch Côn Đảo vào tháng 6/2017. Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo thuộc địa giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,15km2 và diện tích mặt nước khoảng 14.000km2.

Quan điểm phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên rừng, biển Vườn quốc gia Côn Đảo; phát huy các Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử - tâm linh, đồng thời gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác trong và ngoài nước.

Phấn đấu đến 2030, Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch.

Tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020, Du lịch Côn Đảo được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành dịch vụ khác đều phục vụ cho ngành du lịch dịch vụ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiếp tục cơ cấu kinh tế huyện đảo theo hướng “Du lịch – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp”, tỷ trọng các ngành kinh tế du lịch – dịch vụ chiếm trên 90%.

Huyện Côn Đảo đã và đang thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển Côn Đảo trở thành đô thị du lịch vào năm 2030, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước với các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển; thăm quan đảo; trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa – tâm linh….

Với lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và định hướng phát triển du lịch dịch vụ biển đảo chất lượng cao, huyện Côn Đảo kỳ vọng thông qua cuộc thi này tìm được Logo và Slogan du lịch Côn Đảo độc đáo, đặc trưng phục vụ cho công tác  xúc tiến, quảng bá, cạnh tranh với các khu du lịch khác trong nước và quốc tế./.

bottom of page