
Địa lý & tài nguyên sinh thái
Vị trí địa lý
Côn Đảo là một huyện đảo ở phía Đông Nam của Tổ Quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 179 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km, cách cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khoảng 90 km.
Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo, diện tích tự nhiên (phần đất liền) khoảng 76km2, trong đó đảo lớn nhất là hòn Côn Sơn, diện tích khoảng 52km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện.
Côn Đảo là vùng đất cổ, với những phát hiện về khảo cổ học gần đây, cho biết lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo cách đây từ 4000 – 5000 năm. Lớp cư dân ấy có mối quan hệ văn hóa gần gũi với chủ nhân các di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đồng thau, sơ kỳ đồ sắt ở lưu vực sông Đồng Nai. Với hai loại hình di chỉ “Cồn – Bàu” và di chỉ “loại hình hải đảo” trên những giồng cát gần bàu nước ngọt hướng biển, như các di tích cư trú ở Hàng Dương, Sở Tiêu, Cồn An Hải, Bến Đầm, Hòn Cau, Cồn Miếu Bà hay di tích mộ Cồn Hải Đăng… cho thấy cư trú và văn hóa của chủ nhân đầu tiên trên quần đảo này thời Tiền sử - Cổ sử.
Khí hậu
Khí hậu Côn Đảo mang đặc điểm á xích đạo - hải dương nóng ẩm, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm là 26,9 °C. Tháng 5 oi bức, có lúc nhiệt độ lên đến 34 °C. Lượng mưa bình quân trong năm đạt 2.200 mm; mưa ít nhất vào tháng 01. Quần đảo Côn Đảo nằm ở vùng giao nhau giữa luồng hải lưu ấm từ phía Nam và luồng hải lưu lạnh từ phía Bắc.Nhiệt độ nước biển từ 25,7 °C đến 29,2 °C.
Địa lý tự nhiên
Quần đảo Côn Đảo Côn Đảo có tổng diện tích đất nổi là 76 km², trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn 51,52 km².
Đảo này có địa hình đồi núi, ưu thế bởi các dãy đá granit chạy từ phía Tây Nam đến Đông Bắc, che chở cho các vùng vịnh của đảo cả về hai phía khỏi những luồng gió mạnh.
Điểm cao nhất của quần đảo là đỉnh núi Thánh Giá trên đảo Côn Sơn, cao 577 m.
Địa chất quần đảo có tính đa dạng cao, gồm đá mácma Mesozoi xâm nhập axít, đá mácma phun trào axít và phun trào trung tính và trầm tích đệ tứ.
Tài nguyên sinh thái
Đảo Côn Sơn và nhiều đảo nhỏ khác thuộc quần đảo này đều có rừng. Vườn quốc gia có 5.472,5 ha đất có rừng, bằng 93% tổng diện tích đảo nổi thuộc Vườn quốc gia. Hiện nay, đã ghi nhận 1.077 loài thực vật có mạch. Một đặc điểm nổi bật của khu hệ thực vật Côn Đảo là tại đây có 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo. Nhiều loài mang tên các địa danh của vùng như Dầu Côn Sơn (Dipterocarpus condorensis), Bùi Côn Sơn (Ilex condorensis), Đọt Sành Côn Sơn (Pavetta condorensis) và Lấu Côn Sơn (Psychotria condorensis).
Đến nay đã ghi nhận được 25 loài thú, 85 loài chim và 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Mặc dù số lượng loài tương đối thấp nhưng mật độ cá thể lại thường cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như Sóc đen Côn sơn (Ratufa bicolor condorensis), Sóc mun (Callosciunis finlaysonii),Thằn lằn ngươi tròn (Cnemaspis boulengeri), Rắn khiếm Côn đảo (Oligodon condaoensis),Thằn lằn giun (Dibamus kondaoensis)và Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis). Có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như Bồ câu nicoba (Caloenas nicobarica), chim Điên bụng trắng (Sula leucogaster) và Gầm gì trắng (Ducula bicolor)
Hệ sinh thái biển Vườn quốc gia rất đa dạng với các hệ sinh thái như rừng ngập mặn, hệ sinh thái các rạn san hô và hệ sinh thái thảm cỏ biển.
Rừng ngập mặn có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh các khu vực như: Hòn Bà, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn.
Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1,.800 ha với hơn 360 loài đã được ghi nhận trong vùng biển Côn Đảo.
Thảm cỏ biển Côn Đảo có khoảng 1.040 ha nơi tồn tại quần thể của loài thú biển bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu là loài Bò biển Dugong dugon,
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi làm tổ quan trọng của loài Rùa xanh (Chelonia mydas) loài rùa biển đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Hàng năm, khu vực đã ghi nhận được hơn 500 cá thể cái đến làm tổ sinh sản tại 18 địa điểm trong Vườn quốc gia với tổng số tổ lên đến hơn 1.500 tổ. Gần 80% các tổ được làm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Đồi mồi (Eretmochelys imbricata – loài nguy cấp) cũng từng xuất hiện ở một số khu vực. Ngoài ra, một số các loài động vật biển có vú cũng đã được ghi nhận tại Vườn quốc gia Côn Đảo.
Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng môi trường sinh thái tự nhiên phong phú, Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý, bảo tồn tài nguyên rừng và tài nguyên biển, với nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm như Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Sóc đen Côn Đảo, chim điên bụng trắng, chim gầm ghì trắng, bồ câu Nicobar, cá heo, cá nược, rùa biển, Dugong (bò biển)….
Côn Đảo có môi trường tự nhiên xanh sạch đẹp và khí hậu ôn hòa quanh năm, mát mẻ. Biển Côn Đảo với ngư trường rộng lớn đánh bắt hải sản của ngư dân từ các tỉnh miền Trung trở vào. Với những lợi thế về tiềm năng tài nguyên sinh thái, di tích lịch sử, môi trường hoang sơ, …, Côn Đảo hội tụ đầy đủ các tiềm năng, hiếm địa phương nào có được để khai thác phát triển bền vững dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao theo chủ trương định hướng của Thủ tướng Chính phủ